Xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Mỹ vào ngày 30/5
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngày 30/5, Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương Sao sẽ thực hiện chiếu xạ và xuất khẩu những lô vải đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Tiếp đến ngày 10/6, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cũng sẽ chiếu xạ và xuất lô vải đầu tiên sang Australia và từ đó các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang cả hai thị trường mới trên.
Theo ông Đạt, trước đó, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chấp thuận kết quả xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ cho quả vải thiều của Việt Nam. Với kết quả này, vải thiều Việt Nam đã đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ và Australia từ vụ vải năm nay.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết hiện nay các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải sang Mỹ và Australia đã đến Bắc Giang và ký kết với các hộ được cấp mã số vùng trồng. Cục đang làm thủ tục mời chuyên gia của Mỹ và Australia kiểm tra lô đầu tiên theo quy định tại nhà máy chiếu xạ.
Hiện nay, Việt Nam chỉ có bốn doanh nghiệp tham gia thu mua để xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Australia nhưng các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang thị trường khác như EU, Trung Quốc rất nhiều. Công tác xúc tiến thương mại được cả Bắc Giang và Hải Dương làm quyết liệt, thậm chí không chỉ xuất khẩu mà cả thị trường tiêu thụ trong nước được triển khai khá ráo riết.
Theo ông Hoàng Trung, mở cửa được hai thị trường Mỹ, Australia kỳ vọng sẽ là động lực để nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn cao hơn. Việc đáp ứng được hai thị trường này đương nhiên sẽ đáp ứng được quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các thị trường khác, mở ra cơ hội tiến tới các thị trường khác trong các vụ vải tới.
Ông Hoàng Trung cho biết thêm sau vụ vải năm nay, Cục vẫn tiếp tục phối hợp và chỉ đạo địa phương, đề nghị người trồng vải thực hiện đúng theo quy định phía Mỹ, Australia. Cục đã phối hợp, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người trồng, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, những nhóm thuốc nào được và không được nhằm đáp ứng việc loại bỏ được các loại sâu bệnh mà phía Mỹ, Australia quan tâm và an toàn thực phẩm. Đồng thời, Cục đã có kế hoạch sẽ làm việc với các địa phương để mở rộng cấp mã số vùng trồng./.